4/11/11

ôi thôi, đời ta phung phí trong cơn buồn phiền..


Vũ Thành An không phải là cái tên xa lạ với người yêu tân nhạc Việt Nam, cũng như cuộc đời ông được biết đến với những tháng ngày đầy giông gió. Trong “gia tài” của mình, Bài không tên số 40 ("Đời Đá Vàng"), Vũ Thành An đã phải mất tới 27 năm để hoàn thành, như sự trải nghiệm sâu sắc về một kiếp sống.


Với tâm trạng giống như nhiều người trong chúng ta, 30 tuổi Vũ Thành An viết nên 2 khổ đầu với sự giằng xé đầy đau đớn, như:
“Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu,
ta tìm một tiếng yêu thấy toàn là sầu đau...”



"Ô hay, tại sao ta sống chốn này
Quay cuồng mãi hoài có gì vui?"

Trải qua thêm nửa đời người, thì tới khi bước vào độ tuổi 60, với sự bình lặng tại tâm. Vẫn trên nền nhạc đó, ông kết thúc tác phẩm bằng những lát "gừng cay":

"Xin em đừng nên hoang phí, hãy yêu đời mình,
Trăm năm gói trọn phận phù sinh,
Đang khi còn cho ta sống, hãy cười
Trao tặng cõi đời chính mình ta"

Tuy nhiên, đây không phải là trải nghiệm riêng của cá nhân một người nghệ sỹ, mà dường như là sự đúc kết từ rất nhiều số phận khác nhau.

Đối với Phật giáo, con người sống trên đời này đã là đau khổ rồi (Sinh ra - khổ!; Già đi - khổ!; Bệnh tật - khổ!; Yêu mà phải xa nhau cũng khổ...). Mặc khác, nguyên nhân dẫn đến đau khổ, không đâu xa mà căn bản cũng từ chính sự ích kỷ của bản thân ta.

Đó là đạo Phật, là những triết lý  cao siêu của một hệ tư tưởng tôn giáo. Còn trong cuốn “Hiểu về trái tim” của thiền sư Minh Niệm, ta cũng bắt gặp cái gọi là "triết lý" thông qua 2 chương đầu nói về Khổ đau và Hạnh phúc, nhưng không có gì là "giáo điều".

Hạnh phúc khi được sống chung với người mình yêu thương thường không còn nguyên vẹn sau đôi ba năm;
Hạnh phúc mua được căn nhà như ý thường không kéo dài quá đôi ba tháng;
Hạnh phúc được thăng chức thường bị lãng quên ngay sau đôi ba tuần;
Hạnh phúc được khen ngợi thường tan thành mây khói chỉ sau đôi ba tiếng;
... rồi ta lại khát khao đi tìm và dễ dãi tin rằng một đối tượng nào đó trong tương lai sẽ mang lại hạnh phúc lâu bền hơn.
Hạnh phúc của ta thật ngắn ngủi. Đôi khi ta mất quá nhiều thời gian và năng lực để tạo dựng, nhưng rồi nó cứ bỏ mặc những điều kiện bên ngoài, nhồi nặn chúng thành những thứ để ta hưởng thụ, nên ta không làm chủ được nó là phải. Ta biết rõ nguyên do nhưng không thể làm khác hơn, vì ta không thể vượt qua nổi bóng tối tham lam quá lớn của chính mình.

Đối với những mất mát quá lớn, thì tất nhiên phải cần có thời gian ta mới chấp nhận được hoàn toàn, nên việc phản ứng là lẽ thường tình. Nhưng có những điều quá đỗi bình thường, nếu không nói là quá tầm thường mà ta cũng than khổ thì đó là lỗi của ta. Như trời mưa cũng khổ, kẹt xe cũng khổ, bị lỗi hẹn cũng khổ, thức ăn không vừa miệng cũng khổ, chiều cao không vừa ý cũng khổ, mau già cũng khổ, không ai hỏi thăm cũng khổ,... Những nỗi khổ ấy là do nơi hoàn cảnh hay vì lòng tham của ta quá lớn? Hãy bình tâm nhìn lại xem! Không ai có thể làm cho ta khổ được cả, nếu ta có hiểu biết đúng đắn và khả năng chấp nhận đủ lớn.
Để có được khả năng chấp nhận rộng lớn, ta phải biết thu gọn lại những mong cầu không cần thiết của mình. Ngay cả với những điều được cho là chính đáng, nếu thấy không có nó mà ta vẫn có thể sống vững vàng và hạnh phúc thì ta cũng nên cố khước từ để tâm ta bớt lệ thuộc vào hoàn cảnh. Nhờ vậy, khi hoàn cảnh biến động thì ta vẫn an nhiên bất động.

Nên nhớ, ngọc chỉ có trong đá và sen chỉ ở dưới bùn. Bởi ý niệm hạnh phúc chỉ có khi con người biết cảm nhận khổ đau.
Đời đá vàng” của Vũ Thành An cũng không nằm ngoài ý niệm này: Cuộc đời được đào luyện để trở nên cứng, rắn. Và khi đã trở thành vàng, ai bảo nó không quý giá?

1 nhận xét:

T8n2 nói...

Đọc thì hay mà khó hiểu như nhạc VTA vậy.Đã là bài không tên mà ông còn cho số 1 đến sô bao nhiêu ấy nhỉ?Hic